Một vị thám tử đã chốt lại vụ án Thược Dược Đen bằng câu: “Càng tìm hiểu nhiều, bạn lại càng biết ít về vụ án này”. Bởi thực sự, cuộc điều tra suốt hơn 40 năm của cảnh sát và thám tử chỉ dẫn đến hai chữ “tuyệt vọng”!
Hiện trường “man rợ” của vụ án Thược Dược Đen
Vào ngày 15 tháng 1 năm 1947 tại Los Angeles, Mỹ. Trong khi đi bộ quanh đại lộ Norton, giữa phố 39 và Coliseum ở trung tâm thành phố cùng với cô con gái 3 tuổi, bà nội trợ Betty Bersinger bất chợt nhìn thấy một đôi giày nằm bên vệ đường.
Lúc mới nhìn, bà nghĩ rằng đó là đôi giầy của một con ma-nơ-canh hỏng bị cửa hàng nào đó vứt đi. Thế nhưng khi tiến lại gần bà mới kinh hoàng khi nhìn thấy cảnh tượng mà có lẽ cả cuộc đời sẽ không thể nào quên được.
Đó là một cơ thể người phụ nữ nằm tại một bãi đất trống, xác chết bị cắt làm đôi từ phần thắt lưng. Khuôn mặt bị rạch ngoác từ góc miệng lên đến mang tai một vệt dài 7cm. Phần thân trên cơ thể được hung thủ lau sạch và xếp hai tay qua đầu của nạn nhân. Phần da thịt đùi và ngực bị lột bỏ, bộ ruột đặt dưới mông. Cổ tay nạn nhân có dấu buộc bằng dây thừng và mắt cá chân có dấu vết bị tra tấn.
Hai thám tử Harry Hansen và Finis Brown là người đầu tiên được Sở cảnh sát Los Angeles phái đến hiện trường của vụ án Thược Dược Đen. Họ phát hiện một bao xi măng dính máu và một dấu chân giữa những vệt lốp ô tô, gần hiện trường vụ án.
Do cơ thể nạn nhân và đám cỏ ở xung quanh không dính tí máu nào cùng với nhiều giọt sương bên dưới thi thể nên họ xác định rằng nạn nhân đã bị giết ở một nơi khác và từng mảnh xác bị lôi đến khu vực này vào khoảng sau 2 giờ sáng.
Nạn nhân trong vụ án Thược Dược Đen là ai?
Vụ án với tính chất quá man rợ đã trở thành nỗi khiếp hoảng với người dân nước Mỹ bấy giờ. Lúc đó, báo chí và cảnh sát đang có mối quan hệ chặt chẽ: phóng viên lấy tin tức từ cảnh sát và cảnh sát mượn tay báo chí để lan truyền thông tin rộng rãi, nhờ người dân giúp tìm ra manh mối giải quyết vụ án.
Các thám tử đã đưa cho Los Angeles Examiner dấu vân tay của nạn nhân. Từ đó, tòa soạn báo đã dùng loại máy là tiền thân của máy fax để gửi bản phóng to dấu vân tay cho trụ sở FBI tại Washington.
Kỹ thuật viên FBI đã so dấu vân tay này với gần 104 triệu dấu vân tay trong kho hồ sơ và nhanh chóng phát hiện ra đó là dấu vân tay của người tên là Elizabeth Short. Dấu vân tay của Elizabeth Short từng được lưu lại khi cô đảm nhận một công việc ở phòng thư từ trong một căn cứ quân sự đóng tại California. Ngoài ra còn được lưu trữ trong hồ sơ vì cô uống rượu khi chưa đủ tuổi ở Barbara.
Chân dung những kẻ tình nghi của vụ án?
Có nhiều giả thiết được đưa ra về kẻ thủ ác gây ra cái chết của vụ án Thược Dược Đen và có nhiều kết luận trong số đó rất hoang đường.
Mary Pacios, bạn thuở nhỏ và cũng là hàng xóm của Elizabeth Short, cáo buộc tội sát nhân cho một đạo diễn phim tên Orson Welles, cho rằng ông ta đã làm một hành động “ma thuật” để cưa đôi xác nạn nhân.
Janice Knowlton, là một chuyên gia về quan hệ công chúng từng xuất bản cuốn sách với tựa đề “Daddy Was the black dahlia Killer” (tạm dịch: Cha tôi chính là kẻ sát hại “Thược dược đen”). Trong đó, cô khẳng định chính bố cô chính là người giết Elizabeth Short và cô từng chứng kiến cảnh ông hành hạ, giết hại, chặt xác nạn nhân. Cô viết rằng cô nhớ ra ký ức kinh hoàng này sau quá trình điều trị khôi phục lại trí nhớ.
“Tình một đêm” của Elizabeth Short tên là Robert Manley cũng nằm trong dạng bị tình nghi bởi anh ta là người cuối cùng thấy Short còn sống. Tuy vậy, anh ta đã hai lần vượt qua máy kiểm tra nói dối của cảnh sát.
Kẻ tình nghi đáng ngờ trong vụ án Thược Dược Đen
Năm 2003, một thám tử về hưu Sở cảnh sát Los Angeles tên Steve Hodel đã xuất bản cuốn sách có tên là “Black Dahlia Avenger – The true story”. Trong cuốn sách, Hodel miêu tả bố mình là một bạo chúa, người ghét cay ghét đắng đàn bà, ông đã từng giết 10 người phụ nữ trong căn phòng bí mật của ngôi nhà của họ. Sau khi bố Hodel chết vào năm 1999, ông đã lấy được quyển album ảnh riêng của bố ông, trong đó có hai bức hình chụp một phụ nữ tóc đen. Hodel tuyên bố rằng đó là Elizabeth Short. Tuy nhiên, gia đình của Short đã không công nhận đó là cô.
Thêm một giả thiết về kẻ sát hại Elizabeth Short được đặt ra trong cuốn “The True Story of the Black Dahlia Murder”. Nam diễn viên kiêm tác giả viết sách về tội phạm John Gilmore cho rằng thủ phạm của vụ án Thược Dược Đen chính là một kẻ nghiện rượu tên Jack Wilson.
Đầu năm 1980, khi Gilmore phỏng vấn Wilson, anh ta cung cấp những chi tiết mà chỉ có kẻ sát nhân mới có thể biết, trong đó có thông tin Elizabeth Short bị khiếm khuyết ở phần kín. Vài ngày trước khi lệnh bắt đưa ra, Wilson đã chết trong một vụ cháy khách sạn. Cái chết của Wilson khiến mọi thông tin đưa ra trong cuốn sách đều không thể xác minh.
Những giả thuyết và phỏng đoán của các chuyên gia
Quá nhiều giả thiết được đưa ra xung quanh vụ án Thược Dược Đen, cái chết của người phụ nữ Elizabeth Short và mọi giả thiết đều không thể xác minh được rõ ràng để đưa ra kết luận chính xác. Đến nay, nhiều bằng chứng đã biến mất trong hồ sơ vụ án “Thược Dược Đen”, trong đó có 13 bức thư mà kẻ tự cho mình là kẻ sát nhân gửi cho cảnh sát và báo chí.
Cuộc điều tra trong nhiều năm với chiếc tủ hồ sơ chật cứng chỉ mang lại những điều vô vọng. Sở cảnh sát Los Angeles nay đã ngừng phỏng đoán về danh tính của tên hung thủ trong vụ án.
Hơn 40 năm chưa thể có một lời giải đáp cho vụ án mạng kinh hoàng, kẻ giết người có lẽ đã chết không vì bệnh tật thì cũng vì tuổi già. Và có lẽ sẽ không bao giờ bị đưa ra trước công lý.
Lời kết
“Ai là chủ mưu của vụ án Thược Dược Đen?” Đây vẫn là câu hỏi gây nhức nhối trong giới điều tra và các nhà nghiên cứu tâm lý tội phạm tại Mỹ suốt hơn 40 năm qua, đưa vụ án Elizabeth trở thành vụ án bí ẩn nhất Hollywood. Rất nhiều giả thuyết được đưa ra nhưng tất cả vẫn chỉ là dự đoán.